Đối với một công trình, bên cạnh việc chuẩn bị các thủ tục, giấy phép xây dựng thì việc chọn lựa các loại vật liệu xây dựng phù hợp, đảm bảo chất lượng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trong đó, vật liệu là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến chất lượng và tính thẩm mỹ của công trình.
Ngày nay, sự phát triển của khoa học công nghệ đã cho ra đời nhiều loại vật liệu mới, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian thi công, thân thiện môi trường, mà còn mang lại kết cấu xây dựng bền vững hơn.
Dưới đây là 7 loại vật liệu mới hứa hẹn tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong xây dựng và kiến trúc thời gian tới.
1. Bê tông tự hồi phục
Bê tông là một dạng vật liệu tuyệt vời, khả năng chịu nén và chịu uốn rất tốt. Tuy nhiên, bê tông lại là loại vật liệu nhiều " lỗ rỗng", điều đó có nghĩa, nước có thể theo thời gian xâm nhập và gây tổn hại đến cấu trúc của kết cấu bê tông. Nứt, bong... là những hậu quả điển hình của kết cấu bê tông.
Bê tông tự phục hồi (SHC - Self Healing Concrete) là vật liệu tiềm năng cho ngành xây dựng trong tương lai với khả năng tự chữa lành vết nứt và độ bền có thể lên tới 50 năm.
Loại bê tông này được sử dụng trong xây dựng có thể giúp cải thiện độ bền của các cấu trúc, làm giảm chi phí sửa chữa và bảo trì, nhất là đối với các cấu trúc lớn hay các công trình ngầm. Do đó, bê tông tự phục hồi phù hợp với những nơi có môi trường khắc nghiệt như bờ biển, nhà máy điện địa nhiệt...
2. Bê tông gai dầu
Cùng với nhiều vật liệu sinh học như sợi nấm và tảo, gai dầu ngày càng trở nên phổ biến với vai trò là vật liệu bền vững.
Bê tông gai dầu là hỗn hợp gồm sợi gai dầu, vôi và nước, nặng bằng 1/8 bê tông bình thường. Trong quá trình sản xuất, cây gai dầu, vôi bột và nước được trộn lẫn vào nhau tạo thành hỗn hợp đặc sệt, khi kết hợp với các phản ứng hóa học sẽ thành một khối nhẹ, bền vững.
Khối bê tông gai dầu nhẹ và linh hoạt trong thiết kế, đồng thời cũng có khả năng cách nhiệt, cách âm và chống cháy tốt. Hơn nữa, trọng lượng nhẹ và xốp nhưng bê tông gai dầu có thể nhanh chóng hấp thu năng lượng và giải phóng dần dần, phù hợp để xây dựng các công trình trong các vùng khí hậu có sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn.
3. Gạch làm từ sợi nấm
PLP Labs, một công ty thiết kế tại Anh đang phát triển một dự án thay thế gạch xây nhà truyền thống bằng các viên gạch được làm từ sợi nấm nhằm giảm lượng khí thải trong quá trình xây dựng ra môi trường.
Theo đó, các kiến trúc sư của PLP Labs đã lấy ý tưởng hình thành loại vật liệu này từ việc phát triển vật liệu xây dựng từ sợi nấm, sử dụng khuôn gỗ in 3D để có được bất kỳ hình dạng nào theo yêu cầu sử dụng.
Nhóm nghiên cứu này cho biết, sợi nấm là cấu trúc giống như rễ, khi sử dụng cùng khuôn gỗ in 3D, nó có thể được tạo hình cho các mục đích sử dụng khác nhau, có thể tháo rời, lắp ghép như những khối xếp hình Lego.
4. Gạch xây từ tàn thuốc lá
Gạch tái chế từ tàn thuốc lá được Đại học RMIT ở Úc nghiên cứu đang dần trở thành loại vật liệu xây dựng sử dụng phổ biến hiện nay.
Loại gạch xây dựng này được sản xuất từ tàn và mẩu thuốc lá nên có chi phí rẻ hơn và sử dụng ít năng lượng hơn so với gạch nung truyền thống. Theo đó, các mẩu thuốc lá được trộn với gạch đất sét truyền thống, làm giảm 58% lượng năng lượng cần thiết.
Những viên gạch từ tàn thuốc lá có khả năng cách điện tốt hơn, giúp cắt giảm chi phí sưởi và làm mát trong nhà và dễ dàng vận chuyển bởi gạch có trọng lượng nhẹ hơn gạch truyền thống.
5. Xi măng phát quang
Xi măng phát quang có màu xanh da trời và xanh lá cây, được sản xuất bằng cách trộn 4-5% sợi quang trong hỗn hợp xi măng. Nó có trọng lượng nhẹ hơn so với xi măng gốc, đồng thời sở hữu bề mặt đồng nhất sau khi đổ bê tông.
Loại xi măng này có thể được sử dụng cho đường cao tốc, có khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời và phát sáng lên đến 100 năm.
Hiện sản phẩm xi măng phát quang đã được thử nghiệm xây nhà tắm, nhà vệ sinh trong các tòa nhà cao thiếu ánh sáng và đem lại kết quả khả quan.
6. Vật liệu nano
Vật liệu Nano là một loại vật liệu mới có cấu trúc các hạt, các sợi, các ống, các tấm mỏng. Những vật liệu làm từ chất liệu nano mới giúp chịu đựng được sức ép và sức nén mạnh mẽ. Ngoài ra, vật liệu nano còn biết đến là một vật liệu nhẹ và bền chẳng thua kém gì loại vật liệu có cùng chức năng.
Trong xây dựng, vật liệu nano có thể kết hợp với bê tông cường lực tạo ra được loại vật liệu có thể vừa chịu được lực vừa chịu được nén vô cùng tốt.
Việc sử dụng các loại vật liệu mới nhất trong xây dựng chính là một bước đột phá trong những năm gần đây. Với nhiều ưu điểm nổi trội, chúng có thể thay thế các loại vật liệu xây dựng truyền thống như sắt thép, xi măng, gạch… trong tương lai.
7. Siêu vật liệu graphene
Graphene là một vật liệu mới, ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong các lĩnh vực xây dựng bởi những đặt tính ưu việt.
Vật liệu graphene là tên gọi của những tấm phẳng, được làm từ carbon, bao gồm một lớp nguyên tử carbon được sắp xếp, liên kết chặt chẽ với nhau trong một mạng tổ ong hai chiều.
Chất liệu này vô cùng nhẹ, nhưng độ cứng của nó lại vượt trội, hơn hẳn so với kim cương và vượt nhiều lần thép. Chính vì vậy, khi kết hợp với các loại vật liệu truyền thống nó sẽ giúp có được những công trình bền vững, đẹp hơn.
Hiện nay, phương pháp để sản xuất vật liệu graphene là sử dụng kỹ thuật lắng đọng hơi hóa chất.