Một số lưu ý khi thi công hầm - bán hầm

Một số lưu ý khi thi công hầm - bán hầm

Nhà có tầng hầm không còn quá xa lạ, rất nhiều các mẫu thiết kế tầng hầm ra đời trở thành gara để xe của các căn nhà phố. Vậy khi xây tầng hầm cần lưu ý những điều gì, quy định chiều cao tầng hầm là bao nhiêu? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Quy định chiều cao tầng hầm

Tầng hầm là gì?

Tầng hầm là một hoặc nhiều tầng của một tòa nhà hay ngôi nhà được xây dựng nằm hoàn toàn bên dưới toàn nhà, hay nói cách khác là nằm dưới lòng đất kể từ mặt bằng tầng trệt. Còn đối với tầng hầm nằm một phần dưới lòng đất thì được gọi là tầng bán hầm. Điểm khác biệt là tầng hầm được bố trí hoàn toàn dưới lòng đất còn tầng bán hầm chỉ nằm một phần dưới lòng đất.

Tầng hầm chủ yếu sử dụng làm gara để xe của tòa nhà, tuy nhiên, tầng hầm có rất nhiều vai trò vô cùng tiện ích khác phải kể đến: không gian chứa hộp kỹ thuật, chứa các máy sưởi, bình nước nóng, hộp cầu chì, và hệ thống điều hòa không khí, hệ thống phân phối điện, và truyền hình cáp… cũng như gia tăng diện tích sử dụng cho toàn bộ mặt sàn. 

Quy định khi xây tầng hầm gia chủ cần lưu lại

Hiện nay, tầng hầm đang được ứng dụng xây dựng khá phổ biến. Vậy xây tầng hầm cần tuân thủ những quy định nào.  Dưới đây là 9 quy định khi xây tầng hầm đảm bảo an toàn cho gia chủ và tính thẩm mỹ cho ngôi nhà

1. Lối vào tầng hầm hạn chế uốn lượn hoặc cắt ngang lối đi bộ

Một trong những quy định mà khi xây tầng hầm phải tuân thủ là thiết kế lối vào tầng hầm không nên uốn lượn, khó di chuyển. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới tính an toàn khi di chuyển xe từ mặt đất xuống hầm. Bởi rất dễ xảy ra tai nạn, với phụ nữ khi điều khiển xe máy có tay lái không quá chắc, tầng hầm uốn lượn là một điều vô cùng đáng sợ. 

Đặc biệt, khi thiết kế tầng hầm không nên thiết kế lối di chuyển các phương tiện giao thông vào tầng hầm cắt ngang lối đi bộ lên trên tầng trệt. Bởi nó vô cùng nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy một chút có thể xảy ra va chạm cũng như tai nạn không đáng có. 

2. Tạo các gờ ma sát chống trượt tại đường xuống tầng hầm

Khi thiết kế tầng hầm bạn cần tạo những gờ chống trượt như những rãnh xẻ và kết hợp vật liệu hoàn thiện chống trơn trượt bề mặt tại đường xuống tầng hầm. 

Vào những ngày thời tiết ẩm ướt như mưa thì các gờ chống trơn trượt này đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi nó tạo ma sát cho đường hầm. Các phương tiện khi di chuyển sẽ không bị trượt dài mất kiểm soát. Ngoài ra, khi thiết kế tầng hầm cần bố trí cắt nước ở đầu và cuối dốc. Để ngăn chặn nước không thấm được xuống tầng hầm. 

Các gờ ma sát chống trượt tại đường xuống tầng hầm

3. Lưu ý độ dốc tầng hầm đảm bảo sự an toàn khi di chuyển

Một lưu ý quan trọng không được phép bỏ qua khi thiết kế tầng hầm là độ dốc tầng hầm phải đảm bảo an toàn khi di chuyển. Theo tiêu chuẩn xây dựng, độ dốc của tầng hầm không được dốc quá 15-20% so với chiều sâu của hầm. Tức là chiều cao tính từ mép cửa tầng hầm vuông góc mặt đường dốc phải đảm bảo các phương tiện giao thông có thể di chuyển an toàn. Nhiều công trình thiết kế độ dốc tầng hầm quá theo quy định dẫn đến nhiều chủ phương tiện mất kiểm soát khi đi xuống hầm, vô cùng nguy hiểm.

Ngoài việc chú ý quy định khi thiết kế tầng hầm cần phải tính toán chiều cao cũng như độ dốc phù hợp tránh trường hợp ô tô gầm thấp bị chạm gầm khi di chuyển lên xuống tầng hầm.

4. Lưu ý các kích thước của tầng hầm

Khi thiết kế tầng hầm cần lưu ý các kích thước của tầng hầm đảm bảo độ chính xác. Và an toàn để tất cả các phương tiện đều có thể di chuyển được qua tầng hầm. Với những xe ô tô 4 chỗ cho gia đình thì kích thước tối thiểu phải là 3x5m hoặc 3×5,5m đối với 4 chỗ loại thân dài. Mỗi tầng hầm sẽ có mục đích sử dụng cũng như nhu cầu khác nhau, không có một kích thước tiêu chuẩn nào đặt ra. Tuy nhiên cần có một thiết kế tầng hầm phù hợp với từng nhu cầu của mỗi công trình, tránh trường hợp sửa đổi, chắp vá khi đã thi công rất khó khăn trong công tác xử lý cũng như tốn kém chi phí.

Các kích thước của tầng hầm

5. Cần trát phẳng tường và trần của tầng hầm

Thi công tầng hầm cần trát tường phẳng của các bức tường và trần của tầng hầm. Ngoài ra, cần sử dụng các loại sơn dễ lau chùi, chống bám bẩn để dễ dàng trong việc vệ sinh tầng hầm. Bởi đây là khu vực rất dễ bị nấm mốc xâm nhập, rất khó vệ sinh; sử dụng các vật liệu dễ cọ rửa sẽ thuận tiện hơn cho gia chủ trong quá trình vệ sinh.

6. Cung cấp đủ ánh sáng cho tầng hầm

Tầng hầm được bố trí dưới lòng đất nên ánh sáng thường rất hạn chế. Vì vậy khi thiết kế tầng hầm cần đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng cho tầng hầm, đảm bảo tính an toàn khi di chuyển cũng như sự thông thoáng, ngăn chặn rêu mốc phát triển.

Ánh sáng đủ cho tầng hầm

7. Thông gió tầng hầm

Tầng hầm nằm dưới mặt đất nên nếu không đưa ra những biện pháp thông gió tầng hầm thì tầng hầm trở thành một nơi vô cùng ngột ngạt, tiềm ẩn các khí độc từ khói bụi của xe cộ không được thoát đi, ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Vì thế khi thiết kế tầng hầm cần thiết kế cửa thông gió tự nhiên kết hợp với quạt thông gió để hút khói xe và mùi xăng dầu ra ngoài.

Thông gió tầng hầm

8. Thiết kế hệ thống chống cháy nổ và tuyệt đối không để chất dễ cháy nổ trong tầng hầm

Một điều quan trọng khi xây tầng hầm là bạn nên đề phòng trường hợp cháy nổ. Bởi tầng hầm là nơi lưu giữ hộp kỹ thuật, hệ thống điện, máy sưởi… rất dễ xảy ra cháy nổ. Đặc biệt, gia chủ tuyệt đối không để chất dễ gây cháy nổ dưới tầng hầm. Tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường, đồng thời cần lắp đặt các hệ thống báo cháy, báo khói. Để xử lý kịp thời khi trường hợp xấu nhất xảy ra.

9. Thiết kế hệ thống thoát nước cho tầng hầm

Có rất nhiều câu hỏi đặt ra là vào những mùa mưa bão, tầng hầm nằm dưới mặt đất bị ngập lụt phải làm sao. Bởi tầng hầm có cốt cao độ nhỏ hơn mặt đất nên là nơi rất dễ tích tụ nước chảy từ ngoài vào trong. Vì vậy khi thiết kế tầng hầm phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề thoát nước của tầng hầm để không bị ngập lụt.

Hệ thống thoát nước tầng hầm

Quy định chiều cao tầng hầm trong quy chuẩn xây dựng

Theo quy định tại điều 11-135/2007/QĐ-UBND ngày 8/12/2007 có đưa ra quy định về tầng hầm cao bao nhiêu như sau:

Thứ nhất

Phần nổi của tầng hầm (tính đến sàn tầng trệt) không quá 1,2m so với cao độ vỉa hè hiện hữu ổn định. Điều này có nghĩa là phần nổi tầng hầm tức là tầng 1 yêu cầu cao độ tầng 1 (tầng trệt) so với cao độ vỉa hè là tối đa 1,2m.

Thứ hai

Vị trí đường xuống tầng hầm hay còn gọi là đường dốc tầng hầm phải cách ranh lộ giới tối thiểu 3m. Mục đích của quy định này là đảm bảo sự an toàn cho xe từ tầng hầm lên trên mặt đường, phải cách một đoạn đệm dừng xe và đảm bảo tăng tầm nhìn quan sát với các phương tiện giao thông khác. Người tham gia giao thông ở trên đoạn đường tiếp giáp với tầng hầm cũng như việc tạo sự an toàn cho người tham gia giao thông trên tuyến đường có khả năng quan sát xe từ tầng hầm đi lên. Mục đích của việc quy định tầng hầm cao bao nhiêu hay quy định khoảng cách từ tầng hầm tới mặt đường đều là giúp cho gia chủ cũng như người đi đường đảm bảo sự an toàn.

Thứ ba

Đối với nhà ở liền kề có mặt tiền xây dựng giáp với đường có lộ giới nhỏ hơn 6m, không thể thiết kế tầng hầm có lối lên xuống dành cho ô tô tiếp cận trực tiếp với đường, sẽ ảnh hưởng tới sự an toàn của người tham gia giao thông trên tuyến đường và chính gia chủ của ngôi nhà đó.

Quy định về chiều cao tầng hầm là bao nhiêu? Chiều cao phù hợp khoảng 2,2m sẽ đảm bảo phù hợp với đa số thiết kế biệt thự, nhà phố có tầng hầm. Một tầng hầm có độ cao an toàn, hợp lý trong thiết kế sẽ đảm bảo tính tiện ích và an toàn. 

Quy định chiều cao tầng hầm

Tầng hầm ngoài việc sử dụng làm gara để xe, còn có thể tận dụng là nơi kho chứa đồ… vừa tăng giá trị của ngôi nhà, vừa tận dụng diện tích một cách tối ưu nhất. Khi thiết kế tuân thủ quy định chiều cao tầng hầm, sẽ giúp bạn sở hữu một tầng hầm đạt chuẩn, đáp ứng được các yêu cầu khi sử dụng. 

Bài viết khác
Zalo
Hotline